Kinh tế Hà_Nam_(Trung_Quốc)

Toàn bộ tỉnh Hà Nam thuộc khu kinh tế Trung Nguyên (中原经济区), một khu vực phát triển trọng điểm được quy hoạch rõ ràng tại Trung Quốc.[44] Trong giai đoạn 2004-2008, tổng GDP của Hà Nam nằm trong số năm tỉnh thành lớn nhất Trung Quốc. Trong vòng 29 năm từ 1979 đến 2007, so sánh theo giá trị tuyệt đối, tổng GDP của Hà Nam đã tăng 92,43 lần. Theo giá cả so sánh, lấy theo mức giá trung bình cùng kỳ toàn quốc, GDP của tỉnh tăng trưởng bình quân 10,9% mỗi năm, tốc độ đứng thứ bảy cả nước. Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác, Hà Nam là một tỉnh có cơ cấu dân số lớn, nhiều người nghèo, số nhân khẩu thường trú thấp hơn nhiều số nhân khẩu có hộ khẩu trên địa bàn, vẫn là khu vực tương đối kém phát triển về kinh tế tại Trung Quốc. Theo số liệu thống kê cho năm 2011, tổng GDP của tỉnh Hà Nam là 2.723,204 tỉ NDT, trong đó, khu vực một đạt giá trị 351,206 tỉ NDT, khu vực hai đạt giá trị 1588,739 tỉ NDT, khu vực ba đạt giá trị 783,259 tỉ NDT.[45]

Tổng diện tích đất canh tác của tỉnh là 71.792.000 ha,[46] hầu hết nằm trên vùng bình nguyên phía đông Đường sắt Bắc Kinh-Quảng Châu, chỉ có đất nhàn rỗi tại các vùng núi ở phía tây và nam, cũng như các vùng đất nhiễm mặn ở phía đông bắc. Hà Nam là khu vực sản xuất lương thực, bông chủ yếu của Trung Quốc, trong đó sản lượng lúa mì, thuốc lá, vừng đứng ở vị trí đầu tiên. Các loại cây trồng khác là kê cao lương, đỗ tương, đại mạch, ngô, khoai lang, lúa gạo, thiết đậu. Lúa mì có diện tích và sản lượng vượt trội so với các loại cây trồng khác, lúa gạo chỉ chiếm một diện tích nhỏ song tại Hà Nam nó có năng suất gấp ba lần lúa mì.[36] Năm 2007, tổng sản lượng lương thực của Hà Nam là 104,9 tỉ cân, liên tục 8 năm liền đứng đầu Trung Quốc, lượng tăng sản lượng lương thực của Hà Nam cũng chiếm một phần ba lượng tăng sản lượng lương thực cả nước.[47] Mặc dù có dân số rất đông song Hà Nam đã gần như giải quyết được vấn đề cái ăn cho người dân trong tỉnh, mỗi năm còn xuất 20 tỉ cân lương thực sang các tỉnh khác.[48] Việc trồng cây ăn quả cũng phát triển trong những năm gần đây, một phần là nhằm bảo vệ đất, đặc biệt là ở các vùng đất nhàn rỗi. Hồng, táo tây, là các loại cây ăn quả chính, ngoài ra còn có óc chó và hạt dẻ. Ở Hà Nam, người ta cũng nuôi các loài động vật lấy sức kéo, chủ yếu là bò vàng và lừa. Lợn là loại gia súc quan trọng nhất, cừu chủ yếu được nuôi ở vùng núi phía tây. Hà Nam là một trong những trung tâm lâu đời nhất của ngành trồng dâu nuôi tằm ở Trung Quốc, sau Chiến tranh, ngành này đã hồi sinh trên các sườn dốc của Phục Ngưu Sơn, và tỉnh đã trở thành một nhà xuất khẩu tơ lụa quan trọng.[36]

Trước năm 1949, ở Hà Nam có rất ít hoạt động sản xuất công nghiệp tại Hà Nam, từ năm 1950 trở đi thì quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn đã diễn ra nhanh chóng và trên một phạm vi rộng lớn. Ban đầu, nền công nghiệp của tỉnh Hà Nam chủ yếu dựa vào tài nguyên than đá phong phú ở phía tây bắc. Sau đó, sản xuất công nghiệp phát triển một cách toàn diện hơn, với các ngành kỹ thuật, luyện kim loại màu, và dệt làm trụ cột. Năm 2011, giá trị công nghiệp của Hà Nam đạt 1440,170 tỉ NDT, tỷ trọng giữa hai ngành công nghiệp nhẹcông nghiệp nặng là 30,6:69,4.[45] Mười ngành nhỏ có quy mô đứng đầu trong nền công nghiệp Hà Nam là: sản phẩm khoáng sản phi kim, chế biến thực phẩm, gia công luyện và cán kim màu, khai thác và tuyển than đá, sản xuất và cung ứng điện-nhiệt, gia công luyện và cán kim loại đen, chế tạo nguyên liệu hóa học và chế phẩm hóa học, sản xuất thiết bị thông dụng, sản xuất thiết bị chuyên dụng, dệt.[45]

Hà Nam có cấu tọa địa chất phức tạp, hình thành một tài nguyên khoáng sản phong phú, là một trong các tỉnh lớn về khoáng sản của Trung Quốc. Đến nay, đã phát hiện được 126 loại khoáng sản và 157 loại á khoáng trên địa bàn tỉnh, bao hàm. Đã xác minh được trữ lượng của 73 loại khoáng sản và 81 loại á khoáng; và đã khai thác và sử dụng 85 loại khoáng sản cùng 117 loại á khoáng. Trong số các loại khoáng sản tại Hà Nam, có sáu loại khoáng sản năng lượng, 27 loại khoáng sản kim loại, 38 loại khoáng sản phi kim. Trong số các loại khoáng sản đã xác minh được trữ lượng, Hà Nam có tám loại đứng đầu cả nước: molypden, kyanit, andalusit, trona, đất sét illit, đất sét dùng làm phối liệu xi măng, perlit (đá trân châu), nephelin syenit. Trữ lượng dầu mỏ, than đá và khí thiên nhiên còn lại của Hà Nam lần lượt đứng thứ 8, thứ 10 và thứ 11 tại Trung Quốc.[45]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hà_Nam_(Trung_Quốc) http://iwr.cass.cn/zjwh/201403/W020140303370398758... http://www.ccdy.cn/xinwen/content/2011-05/26/conte... http://www.china.com.cn/chinese/difang/692214.htm http://english.people.com.cn/200510/01/eng20051001... http://www.people.com.cn/GB/shenghuo/1090/2435218.... http://english.peopledaily.com.cn/200609/30/eng200... http://finance.sina.com.cn/roll/20110223/085394181... http://news.sina.com.cn/c/2008-02-26/150213478517s... http://xhd.hbdawu.gov.cn/xzsp/1909.html http://www.henan.gov.cn/